top of page
  • Phạm Bình Minh

TÀU HÀNG RỜI 65.000 DWT – XU THẾ TÀU HIỆN ĐẠI HIỆU QUẢ NĂNG LƯỢNG, MÔI TRƯỜNG VÀ TIÊT KIỆM NHIÊN LIỆU.

Chiều 11/5, tại Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu (SBIC) đã hạ thuỷ thành công tàu hàng rời trọng tải 65.000 DWT số 01, đồng thời làm lễ đặt ky tàu chở hàng trọng tải lớn cùng loại số 02. Đây là con tàu thứ nhất trong lô hai tàu 65.000 DWT thuộc sở hữu bởi Công ty Công nghiệp Tàu thủy Đông Bắc đặt hàng. Tàu thuộc dự án đóng tàu có trọng tải lớn nhất từ trước tới nay do chính các kỹ sư và công nhân Việt Nam thực hiện, tàu được Đăng kiểm NK- Nhật Bản phê duyệt thiết kế và giám sát đóng mới trong suốt quá trình thi công.

Tàu hàng rời 65.000 DWT được đặt tên Trường Minh Dream 01 – ước nguyện vươn tầm thế giới và làm chủ xu thế tàu hàng rời hiện đại. Tàu có số hiệu IMO 9978274, chiều dài tổng thể 199,99m; chiều rộng 32,26m; tổng dung tích 35.823GT. Tàu có kết cấu thép đáy đôi, mạn đơn được trang bị một máy chính MAN B&W với tổng công suất 7700 kW (SMCR) ở vòng quay 85 vòng/phút, tốc độ lớn nhất đến 14 hải lý/h, tốc độ ở chế độ chỉ số hiệu quả năng lượng 75% công suất máy lớn nhất (NCR) đạt 13,5 hải lý/h. Tàu có tầm hoạt động lên đến 22.000 hải lý.

Tàu do Liên doanh Công ty CP Kỹ thuật Đóng tàu Việt Nam (VISEC) liên danh với Công ty Blutech - Phần Lan thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công với nhiều tính năng vượt trội so với các dòng sản phẩm cùng loại trên thế giới. Tàu được thử nghiệm mô hình tại bể HSVA[1] bởi các kỹ sư và chuyên gia nhiều kinh nghiệm, chất lượng thử nghiệm mô hình đạt tiêu chuẩn thế giới của Tổ chức bể thử mô hình thế giới ITTC[2] và đạt tính năng kỹ thuật tối ưu về sức cản tàu và tính năng đi biển. Toàn bộ các công đoạn chế tạo, đóng mới đều do đội ngũ kỹ sư và công nhân lành nghề của Công ty Đóng tàu Nam Triệu thực hiện cùng các nhà thầu trong và ngoài nước thực hiện lắp đặt và vận hành thiết bị. Tàu hàng rời 65.000 DWT là chiếc tàu đầu tiên đón đầu xu hướng series tàu hàng hiện đại phù hợp với xu thế tàu hiệu quả năng lượng, môi trường và tiết kiệm nhiên liệu. Tàu được thiết kế, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại, thỏa mãn các Công ước Quốc tế MARPOL[3] mới nhất, đặc biệt là yêu cầu cho xu thế cắt giảm khí thải CO2 (Decarbonization)[4] bảo vệ môi trường của Tổ chức Hàng hải Thế giới IMO[5] và được cơ quan Đăng kiểm NK - Nhật Bản phân cấp phù hợp hoạt động trên tất cả các vùng biển Quốc tế, cũng như thỏa mãn yêu cầu của tất cả các Cảng biển trên Thế giới.

Tàu hàng rời trọng tải 65.000 DWT được phân cấp theo tiêu chuẩn tương đương các dòng tàu hàng hiện đại hiện nay với ký hiệu phân cấp:

NS* HCSR, BC-A, BC-XII, GRAB 25, PSPC-WBT, NC, ESP, IWS, HCM-GBS, MNS* MO, STRENGTHENED FOR HEAVY CARGO LOADING No2 C.H AND No4 C.H MAY BE EMPTY [6]

Ngoài các yêu cầu phân cấp đáp ứng nêu trên, tàu hàng rời 65.000 DWT được thiết kế và đóng mới hướng tới xu thế các tàu hàng rời hiện đại ngày nay cũng như trong tương lai bởi áp dụng các yếu tố và giải pháp kỹ thuật sau:

 

1. Hiệu quả năng lượng, môi trường và tiêt kiệm nhiên liệu:

Với mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính (GHS)[7] nhằm bảo vệ lại sự biến đổi khí hậu toàn cầu, Tổ chức hàng hải IMO đã đưa ra quy định bắt buộc cho tàu trong ngành vận tải biển nhằm giảm thiểu khí thải môi trường. Cụ thể quy định cắt giảm khí thải CO2 đến 40% vào năm 2030 và mục tiêu 70% năm 2050 so với quy định từ 2008. Hơn nữa Ủy ban Châu Âu (EU) đã quy định đối với tất cả các tàu của mọi Quốc gia khi cập cảng Châu Âu bắt buộc đáp ứng cắt giảm khí thải CO2 ít nhất 50% vào năm 2030 so với quy định năm 1990 và hướng tới Net Zezo vào năm 2050.

Hiện nay các yêu cầu khắt khe về điều kiện môi trường và hiệu quả năng lượng đối với các tàu hàng rời hiện đại nói chung và tàu hàng rời 65.000 DWT đã được thiết kế và đóng mới đều được nghiên cứu thử nghiệm và thiết kế với các đặc tính kỹ thuật tối ưu như: Tối ưu hóa tuyến hình thân tàu, tối ưu hình dáng thượng tầng bằng mô hình thủy động lực học, tối ưu hóa hệ thống thiết bị đẩy tàu (chân vịt, bánh lái), tối ưu về chủng loại sơn giảm thiểu ma sát vỏ tàu, sử dụng nhiên liệu giảm nồng độ lưu huỳnh và nhiêu liệu sinh học.

          - Tối ưu hóa tuyến hình thân tàu bằng thử nghiệm mô hình tại bể thử theo quy định của Tổ chức ITTC, kết hợp tính toán thủy động lực học thân tàu để tối ưu hóa sức cản nhằm tăng tốc độ tàu và giảm thiểu công suất máy chính từ đó giảm thiểu khí thải môi trường.


H1-1: Mô hình thử nghiệm tàu


H1-2: Mô hình thử tàu tại bể thử ở các tốc độ khác nhau


H1-3: Kết quả mô phỏng tính toán thủy động lực học dòng chảy thân tàu


- Sử dụng chân vịt đường kính tối đa (6,8m) kết hợp độ nghiêng cánh lớn dựa trên tính toán và thử nghiệm mô hình tại bể thử mục đích tăng hiệu quả lực đẩy chân vịt và tăng tốc độ tàu, giảm thiểu xâm thực chân vịt khi hoạt động. Công suất máy thấp ở vòng quay thấp để giảm tiêu hao nhiên liệu từ đó giảm thiểu khí thải CO2.

H1-4: Thiết kế hệ chân vịt đường kính tối ưu

- Sử dụng thiết bị tối ưu hóa dòng chảy (cánh dẫn hướng) vào chân vịt dựa trên số liệu thử nghiệm mô hình và tính toán đặc tính dòng chảy. Thiết bị được gắn trước chân vịt tại thân tàu để tăng hiệu suất đẩy chân vịt lên tới 5% từ đó tăng hiệu quả lực đẩy chân vịt và tăng tốc độ tàu, giảm tiêu hao nhiên liệu từ đó giảm thiểu khí thải CO2. Hệ bánh lái sử dụng kết cấu có cánh dẫn dòng nhằm mục đích tăng hiệu quả dòng chảy sau chân vịt và tăng hiệu suất quay trở của tàu. Tàu có suất tiêu hao nhiên liệu ở tốc độ hoạt động với công suất máy 75% công suất lớn nhất đạt 22 tấn/ngày.

H1-5: Thiết kế cánh dẫn hướng chân vịt và bánh lái

- Kết cấu thượng tầng kiểu dáng khí động học được tính toán và thử nghiệm mô hình thực tế. Từ đó giảm sức cản gió của tàu đến 25% so với kết cấu thượng tầng thông thường, tối ưu hóa công năng sử dụng không gian và giảm trọng lượng thép của tàu.

H1-6: Thiết kế thượng tầng theo hình dáng thủy động lực học


- Hệ thống khí xả của tàu được trang bị thiết bị HP-SCR[8] nhằm giảm thiểu nồng độ khí thải NOx, hệ thống sử dụng nguyên lý trộn hỗn hợp chất Ure 40% và nước vào đường ống khí xả để triệt tiêu khí thải NOx thành khí Nitơ và nước nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khí xả NOx gây ra. Tàu được cấp chứng nhận đạt chứng chỉ NOx Tier III[9] theo Tiêu chuẩn Quốc tế,  ngoài ra tàu sử dụng nhiên liệu có nồng độ lưu huỳnh thấp (0,1%) để giảm thiểu khí thải SOx ra môi trường.


H1-7: Thiết kế hệ thống Hp- SCR cho hệ khí xả máy chính


- Tàu được thiết kế và tính toán tối ưu các yêu tố kỹ thuật liên quan gồm trọng tải tàu, tốc độ tàu cùng hệ công suất máy chính, máy phát đảm bảo yêu cầu thỏa mãn chỉ số hiệu quả năng lượng EEDI phase 2[10] và chỉ số cường độ cacbon CII[11] theo tiêu chuẩn Công ước Quốc tế MARPOL của IMO đảm bảo tính hiệu quả năng lượng và môi trường của tàu. Đây là tàu đầu tiên của Viêt Nam thiết kế đóng mới mang trong nước đạt tiêu chuẩn chỉ số hiệu quả năng lượng EEDI Phase 2.





H1-8: Kết quả tính toán chỉ số hiệu quả năng lượng và cường độ khí thải CO2.


2. Tối ưu hóa kết cấu thân tàu và trọng lượng hàng chuyên chở:

Để đảm bảo tối ưu hóa kết cấu thân tàu và tăng tuổi thọ của tàu theo yêu cầu của Tổ chức IMO đối với tàu hàng rời ít nhất 25 năm, tàu được thiết kế tính toán theo quy định mới nhất của Bộ luật Quy phạm chung HCSR[12] của Tổ chức Đăng kiểm Quốc tế IACS. Toàn bộ kết cấu thân tàu được ứng dụng phần mềm chuyên dụng tính toán phần tử hữu hạn để xác định tối ưu hóa kết cấu và đảm bảo độ bền chung, độ bền cục bộ cũng như độ mỏi của tàu theo quy định của Bộ luật áp dụng cho tàu hàng rời. Bên cạnh đó kết cấu tàu được lựa chọn đến 90% loại thép có cường độ cao để đảm bảo khối lượng tàu tối ưu nhằm tăng trọng tải của tàu tối đa chuyên chở.

H2-1: Kết quả tính tối ưu hóa kết cấu bằng phần tử hữu hạn.


- Tàu thiết kế thể tích chứa hàng tối đa để tăng năng lực chở hàng; miệng hầm hàng rộng tối đa (xấp xỉ 0,6B chiều rộng tàu) để tăng khả năng bốc, dỡ hàng nhanh nhất. Cùng với đó kết cấu nắp hầm hàng thiết kế loại điện thủy lực dạng gập chữ A với tốc độ đóng mở nắp hầm hàng nhanh nhất phục vụ cho bốc xếp hàng trong cảng với thời gian tối ưu. Bên cạnh đó, tàu trang bị hệ cẩu điện với sức nâng 30 tấn – tầm với 28m dạng cẩu xoay 360 độ nhằm tối ưu hóa công năng bốc xếp hàng của tàu.

H2-2: Kết cấu miệng khoang hàng và kiểu nắp hầm hàng


3. Các trang thiết bị đáp ứng về yêu tố môi trường:

Tàu được trang bị đầy đủ các trang thiết bị đáp ứng về phòng chống ô nhiễm môi trường  và thỏa mãn các yêu cầu của Công ước Quốc tế, tàu được trang bị cụ thể như sau:

-          Hệ thống thiết bị chống ăn mòn chủ động ICCP[13]

-          Hệ thống thiết bị xử lý sinh vật biển từ nước dằn 1000m3/h thỏa mãn yêu Công ước Quốc tế

-          Hệ thống thiết bị xử lý nước thải

-          Hệ thống chống ăn mòn ô nhiễm sinh vật MGPS[14]

-          Hệ thống lò đốt rác

-          Thiết bị phân ly dầu nước 15ppm

Tàu hàng rời trọng tải 65.000 DWT sau khi hoàn thiện đi vào hoạt động được mong đợi mang lại hiệu quả vận tải khả quan cho đơn vị chủ quản tàu. Đồng thời đóng góp vào sản lượng chung của ngành vận tải biển trong nước nói chung và của đơn vị chủ quản nói riêng. Bên cạnh đó, tàu hàng rời trọng tải 65.000 DWT cũng tạo điểm nhấn trong ngành thiết kế và công nghiêp đóng tàu của Viêt Nam.

Chúng tôi xin lấy lời kết cho Dự án tàu này bằng bài phát biểu của Ông Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Tàu thủy Đông Bắc: “Đây là con tàu chở hàng lớn nhất được đóng tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay; là dòng tàu có thiết kế hiện đại và tính ưu việt bậc nhất về sức cản, về hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu và chất lượng khí thải, giảm trọng lượng tàu không về mức tối ưu, thỏa mãn các điều kiện khắt khe của các chính quyền cảng tại Mỹ, Châu Âu và Úc”.

Ghi chú:

[1] HAMBURGISCHE SCHIFFBAU -  VERSUCHSANSTALT GMBH – HAMBURG SHIP MODEL BASIN

[2] INTERNATIONA TOWING TANK CONFERENCE

[3] CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ PHÒNG CHÔNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TỪ TÀU

[4] KHỬ KHÍ THẢI CACBON 

[5] TỔ CHỨC HÀNG HẢI THÊ GIỚI

[6] KÝ HIỆU PHÂN CẤP TÀU.

[7] GREENHOUSE GAS EMISSION

[8] HIGH PRESSURE SELECTIVE CATALYTIC REDUCTION

[9] NOx RELATIVE REDUCTION UP 80% - IMO MARPOL ANNEX VI REGULATION 13 NOX LIMITS

[10] ENERGY EFFICIENCY DESIGN INDEX    

[11] CARBON INTENSITY INDICATOR

[12] HARMONIZED COMMON STRUCTURE RULES

[13] IMPRESSED CURRENT CATHODIC PROTECTION

[14] MARINE GROWTH PREVENTION SYSTEM

Commenti


bottom of page